Tôi chẳng nhớ hết nội dung thư,àiGòncủ1964 tuổi gì nhưng dòng chữ xiên vẹo lấm lem mùi bùn đất lúc nào cũng sẽ có những câu như là "Mấy cô chú trong Sài Gòn gửi quà về cho mấy đứa con, có kẹo dừa và chôm chôm". Đều đặn tháng nào, thư gửi về ba cũng nhắc đi nhắc lại về những món quà ba được tặng, nào là ba từ phụ hồ lên thợ chính. Ba khoe không còn đi vác xi măng, xách vữa hay trộn hồ nữa mà đã xây được rồi.
Cứ thế, mỗi lần về quê ba mang rất nhiều quà, nào là bánh kẹo, chôm chôm, quần áo mới. Có năm ba đem về bộ chén sứ mới tinh. Ba cất giữ cẩn thận trong chiếc tủ như một món đồ trân quý, dặn má khi nào có đám giỗ mới được lấy ra dùng. Thêm cả chiếc tivi trắng đen đời đầu và mấy gói kẹo dừa mà mỗi lần ăn chị em tôi đều cười hì hì: "Kẹo dừa cứng lắm ba ơi, ăn dính răng quá trời!". Ba cứ nhắc đi nhắc lại là quà của mấy cô chú trong Sài Gòn tặng. Tôi chẳng biết họ là ai, ở đâu, cũng chẳng gặp bao giờ. Nhưng mà trong mắt tôi, "mấy cô chú trong Sài Gòn" tốt bụng lắm!
Năm tôi 12 tuổi, lần đầu vào Sài Gòn. Ba chở tôi từ bến xe về nhà trọ ba ở - trên chiếc xe mà cánh yếm của nó chỉ còn một nửa, bộ đèn phía trước lung lay như bay theo gió. Tôi ngồi sau xe tít mắt cười, ánh mắt như rực sáng khi phát hiện ra điều gì đó thú vị. Chốc chốc ba vỗ vào tay tôi bảo: "Siêu thị kìa con!", "Công viên kìa con!"
Tôi chưa từng thấy nơi nào nhiều đèn điện như ở đây hoặc có lẽ đôi chân nhỏ bé chưa đi hết cuộc đời. Ngay cả thị trấn nơi tôi đang ở cũng chẳng bằng. Tôi từng ghét ánh đèn nhấp nháy vì nó làm tôi cảm thấy chói mắt. Nhưng giờ phút ngồi trên chiếc xe, cùng ba bon bon trên đường phố đông đúc, tôi chợt nhận ra ánh đèn Sài Gòn sao ấm áp cực kỳ. Ánh đèn xoa dịu đôi vai gầy guộc của ba, xoa dịu trái tim của kẻ tha hương cầu thực để xây giấc mơ bé bỏng cho tôi!
Chuyến đi vào Sài Gòn khi ấy tôi chẳng được đi Đầm Sen như mơ ước mà phần lớn thời gian còn lại tạm trú nơi công trường của ba. Tôi ngồi trong cái láng được dựng lên thô sơ, trên những tấm ván gỗ, ba trải chiếc chiếu để tôi ngồi đó rồi làm. Chiều tối, ba sẽ chở tôi về một ngõ hẻm, về dãy nhà trọ lụp xụp nắng mưa. Ba nói với một người phụ nữ bằng cái giọng lạ hoắc lạ huơ tôi nghe chẳng hiểu. Rồi ba dẫn tôi đi ăn "hột dzịt lộn". Tôi vừa ăn vừa cười khúc khích. Ở đây người ta không nói "về" mà nói "dzề", người ta không nói "mô tê răng rứa" giống như quê tôi. Còn rất nhiều điều lạ lẫm nữa mà tôi chẳng nhớ hết.
Trưởng thành rồi, tôi mới có dịp vào Sài Gòn một lần nữa. Chuyến đi lần này khác hẳn với lần đầu tiên. Tôi thấy một Sài Gòn rực rỡ phồn hoa nhưng cũng thấy Sài Gòn cơ cực với những mảnh đời tha hương. Nhất là khi đi ngước nhìn những công trình đang xây, trái tim tôi nhói lên từng hồi. Có phải gần 20 năm về trước, ba tôi cũng đã từng ở đó - trên tít cao kia để xây từng viên gạch, xách từng xô vữa hay không.
Ba bảo Sài Gòn rộng lớn lắm. Thế mà tôi thấy Sài Gòn nhỏ bé bằng bóng lưng ba.
Ba bảo người Sài Gòn hào sảng lắm, tôi thấy vẫn thiếu. Họ còn thân thiện dễ mến nữa.
Hơn 15 năm trôi qua, ba chưa vào lại Sài Gòn thêm lần nào nữa. Tuổi già và những mối quan hệ neo ba ở lại với quê hương. Vậy mà ba vẫn dõi theo những tin tức ở vùng đất xa xôi kia. Tôi nhớ những buổi chiều, ba ngồi trước hiên, nhâm nhi ly rượu rồi kể cho chúng tôi nghe chuyện trong Nam. Có một dạo tôi nghĩ Sài Gòn là quê của ba. Ba chưa từng nói với tôi Sài Gòn rực rỡ ra sao, nhưng từ trong ánh mắt và nụ cười của ba, tôi thấy Sài Gòn đẹp vô cùng.
Ba thương Sài Gòn không giống tôi. Một người lăn lộn gần mấy chục năm ở Sài Gòn sẽ khác với một cô bé ngây thơ chưa hiểu chuyện. Một người đã có gần nửa đời người sinh sống ở nơi đó khác với một cô bé vào chỉ để thỏa mãn ước mơ đi Đầm Sen.
Ba thương Sài Gòn như thể đó là quê hương thứ hai của đời mình. Mảnh đất nồng hậu và những con người hào sảng khi ấy, họ cho ba một nơi để ngủ, để làm. Họ cho ba cái balo mới thay thế balo cũ, cho ba bộ đồng phục mới thay thế cho tấm áo đã sờn vai.
Còn tôi, tôi thương Sài Gòn vì mảnh đất ấy bao dung ba, ôm trọn ba vào lòng. Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ của chúng tôi - những đứa trẻ cách nó ngàn cây số.
Sài Gòn cho ba những người bạn, Sài Gòn cho chúng tôi những món quà. Dù tôi chưa từng gặp mặt, chưa bao giờ biết đến, vậy mà mỗi khi nghe ba nhắc đến hai từ "mấy cô chú trong Sài Gòn", tôi lại thấy thương quý vô cùng.
Nhiều khi tôi nghĩ, nếu không có Sài Gòn của ba, sẽ chẳng có chúng tôi như bây giờ.
Sài Gòn của ba, Sài Gòn của con!